Tình Yêu Thương Cũng Là Thiên Chức Mà Mỗi Người Gánh Trên Vai


Mùa hạ năm Tân Sửu 2021

Vào một buổi tối mưa như trút nước, tôi ngồi đây viết ra những dòng tâm sự này như một liều thuốc dành cho tinh thần. Trong cái màn mưa đang tuôn rơi xối xả như thế, tôi cũng hơi chạnh lòng về việc gia đình tôi vừa đây cũng đã không may mắn và được xác nhận là dương tính với Covid 19. Tự an ủi lòng mình rằng đây có lẽ là một thử thách và những hạt mưa này chắc có lẽ cũng để rửa trôi giọt nước mắt của tôi để còn đứng dậy mà tiếp tục chiến đấu. Bao nhiêu ngày tháng xông pha đi chống dịch ở cái thành phố mà tôi luôn yêu thương, thành phố Hồ Chí Minh, đã cho tôi hiểu thêm nhiều giá trị thực của cuộc sống. 

Tôi xung phong đi thực hiện các công tác tình nguyện phòng chống dịch tại các quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh như một hành động thay cho sự biết ơn cùng mong muốn góp một phần sức mình vào sự phát triển cũng như góp phần giải quyết các vấn khó khăn của đất nước.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã có nhiều biến cố xảy ra. Chính lúc này, tôi nhận thấy tất cả đều như hướng về nhau dù có ở đâu trên mọi miền tổ quốc. Đấy không chỉ là tình yêu thương mà con người dành cho nhau thông qua những hành động thiện nguyện chia sẻ từng trái dưa, con cá và còn nhiều cái khác nữa. Trên khắp mọi mặt trận dù hậu phương hay tiền tuyến, vai trò của tình dân quân được thôi thúc lên mức cao nhất. Như truyền thống từ bao đời nay của nước ta, thật không sai khỏi câu “quân với dân như cá với nước”. Với đôi dòng tâm tư được dồn nén cả vào đây, tôi mạn phép làm hai câu thơ:

"Viết ra đây đôi lời bộc bạch, nhủ với lòng dù hóa thinh không
Ông cha thời đã hi sinh, chúng con quyết giữ non này mãi xanh”.

Tháng sáu năm nay tôi không còn thấy trẻ em, học sinh, sinh viên xúng xính quần áo để dạo hè hay quây quần bên gia đình để dã ngoại, để vui chơi sau một năm học tập áp lực nữa. Mà thay vào đó là những lời kêu gọi thiết tha từ Thành Đoàn, từ Đoàn viên và từ ngàn con người khác về một việc thôi là “đồng lòng chống dịch”. Người thì hậu phương người thì tiền tuyến, lớp lớp chiến sĩ đứng lên xông pha trên mọi mặt trận. Rồi cũng đâu đó, người người lại kiệt sức quị xuống. Thậm chí đau lòng nhất vẫn là những người con, người cháu vì xa quê chống dịch cho đến khi người thân mình mất cũng không thể về chịu tang. Anh em trong đơn vị lúc ấy chỉ còn biết ngậm ngùi an ủi nhau bên những nén nhang tỏa khói, bên bàn thờ lập vội. Để rồi trong cái tình yêu thương và sự thiêng liêng, lau đi giọt nước mắt, chúng tôi lại đứng lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
               
“Cậu yên tâm, có chúng tớ đây, hãy nghỉ một chút nhé, người dân còn đang hi vọng vào chúng ta”.

Đấy là câu mà các chiến sĩ tình nguyện chúng tôi bảo nhau khi có một người nào đó chẳng may kiệt sức đến nỗi ngất đi. Thương yêu và đỡ đần nhau là thế đấy nhưng bật mí là chúng tôi không ai quen biết ai đâu. Thậm chí từ khi bắt đầu cho đến xong công tác, chúng tôi còn chẳng thấy được mặt nhau, ngoại trừ cái cửa sổ tâm hồn được lộ ra sau cặp kính bảo hộ mờ căm vì cái sức nóng bí bách của mồ hôi luôn chực chờ tuôn ra. Cứ như vậy chúng tôi tiếp tục, người thì hỗ trợ sắp xếp di chuyển hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến các điểm các chốt chống dịch, các khu phong tỏa cách ly cho người dân.

Người thì điều phối, lấy mẫu, nhập liệu, hướng dẫn người dân đến tiêm vắc xin trong cái nắng oi ả và cái bức bối của bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Một kỉ niệm cực kì khó quên đó chính là “công tác đi chợ thay” cho người dân mà Thành Đoàn phát động, những thanh niên chúng tôi cũng hăng hái lên đường. Và vâng, tôi xin đính chính lại thêm một lần nữa là những người đàn ông một trăm phần trăm. Bởi trừ trăm nghìn thứ thiết yếu mà chúng tôi mua thay cho người dân, trong đó còn có cả “thứ không thể thiếu cho chị em phụ nữ”. Những ánh mắt lúng túng, cử chỉ rụt rè của các anh thanh niên, đàn ông “vai u thịt bắp” khi đến quầy hàng đặc biệt đó thật là một kỉ niệm khó phai. Khi những vết hằn sâu trên mặt vì cả ngày đều phải đeo khẩu trang thì chúng tôi trông sao cứ như những dấu ấn của một thiên thần.

Những bàn tay khi gỡ được cái bao tay ra thì mồ hôi tuôn như suối, phồng rộp và bị ăn trắng xát bởi độ cồn. Còn có những chiến sĩ không dám uống nước hầu như cả buổi vì sợ lây nhiễm chéo và cũng do nói nhiều đến mức cạn khô cổ họng nhằm hướng dẫn cho người dân tại các điểm nóng. Những buổi đứng giữa trưa hè gần 40 độ cùng hàng nghìn người trong dòng xe tấp nập để chờ kiểm soát khai báo y tế và thông chốt. Cũng như những đêm lạnh lẽo, co ro nơi lều bạt giữa tiếng sét rầm rú, mưa giông gió giật trước cửa bệnh viên 175 - ổ dịch Gò vấp một thời để điều phối giao thông, người có nhớ không.

Có lúc chúng tôi cũng lại vì công tác hướng dẫn khai báo y tế mà đứng giữa cái giông cái giật ấy để ghi lại từng cái chân dù, tấm bạt nơi chốt Bến Đò - chợ đầu mối Bình Điền quận 8. Nếu đồng đội tôi có đọc bài này, tôi tin rằng họ cũng như tôi đến bây giờ mới bất giác nghĩ sao mà chúng ta gan thế nhỉ. Chắc có lẽ tuyệt nhiên không gì ngoài hai từ “thiên chức”.
                  
Bao nỗi khó khăn nêu trên là chưa đủ để hiểu hết về nỗi vất vả khi chúng tôi bám trụ công tác chống dịch. Lúc mưa đã dứt, nắng đã tan, người dân đã yên giấc trên giường thì chúng tôi vẫn còn đối mặt với những chuyện đau đầu không kém. Khi lê tấm thân mệt mõi về, một trong số chúng tôi còn phải chịu sự xa lánh và né tránh thậm chí soi mói từ một thiểu số con người tiêu cực. Họ thi nhau bảo rằng “mày không sợ chết hay sao, mày không nghĩ cho gia đình hay sao, mày không biết nghĩ đến làng xóm hay sao” và còn nhiều cái “mày không” khác nữa. 

Tại sao thế, vì họ xem chúng tôi, những con người tình nguyện vì "Tổ Quốc" vì người dân đi chống dịch sẽ như là một người có khả năng mang bệnh về nhà. Và vì thế họ chẳng mảy may động lòng suy nghĩ để tìm ra nguồn cơn câu chuyện cùng giải quyết mà chỉ buôn lời than trách, dèm pha. Đối diện với biết bao cái “mày không” ấy chúng tôi chỉ dùng hành động để trả lời lại rằng “chúng tôi có, có ở đây là một tiếng gọi từ Tổ Quốc và tận tâm can của một con người. Cũng trong cái khó khăn ấy, thế mà lại mở ra nhiều con đường mới, nhiều suy nghĩ mới. Chúng tôi cùng Thành Đoàn và nhiều anh chị em khác trong nhóm, tổ đã xây dựng nên phương án, cách thức hỗ trợ đầy đủ về bảo hộ, vật liệu phòng chống, đảm bảo vừa an toàn vừa chống dịch cho các tình nguyện viên. Đồng thời lúc nào cũng rỉ rã bên tay cái thông điệp 5K của đồng đội.

Mong rằng chống dịch rồi đây sẽ chỉ còn là một quá khứ. Một quá khứ cùng bao kỉ niệm buồn có, đau thương có nhưng cũng đầy tự hào vì tình đoàn kết của chúng ta. Tôi tin rằng, khi chúng ta đồng lòng thì không khó khăn đại nạn nào mà nước dân tộc Việt Nam ta không vượt qua được. Và đến lúc tất cả mọi người sẽ nhận ra “thiên chức” ấy không từ đâu xa mà xuất phát từ chính trái tim mỗi người con của nước Việt.


Nguồn: NHB Blue Team

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. phải trải qua ngày mưa mới thấy yêu thêm ngày nắng .
    Phải trải qua mùa dịch mới trân trọng sức khỏe .
    Và như thế mới thấy đc tình người. Nghĩa cử ấm áp mà mọi tình nguyện viên từ bao nơi bao ngành nghề đã ko ngại khó khăn, hy sinh để những người khác đc khỏe mạnh. Chân thành cám ơn các bạn ❤

    Trả lờiXóa