Bạn có ghét việc tranh luận, đặc biệt là tranh luận với những người mà bạn yêu thương? Và bao giờ từ “tranh luận” lại biến thành “tranh cãi”?
Ai đó từng nói trong một tập thể việc tranh luận là cách giúp cá nhân nhanh chóng tiến bộ, giúp ý kiến được đưa ra không còn mang tính chủ quan, giúp công việc hoàn thành một cách nhanh chóng và hiệu quả. Thế nhưng liệu rằng một cuộc tranh luận có thật sự dừng lại sau khi đã xác định ra người chiến thắng và những kẻ tham chiến có bắt tay nhau hòa giải, hài lòng như chưa hề có một cuộc chiến nào từng nổ ra? Nếu những điều giả sử ấy thật sự ứng nghiệm khi áp đặt vào hệ quy chiếu của một mối quan hệ hẳn chẳng ai lắc đầu ngán ngẩm khi âm lượng giọng nói của một trong hai người bỗng chốc tăng cao thấy rõ. Tôi từng mất một tình yêu, thiếu chút nữa mất luôn một tình bạn do hệ quả của những sàn đấu ngôn từ mà đâu đó tôi là kẻ giành phần thắng. Phải thừa nhận một điều rằng, tranh luận hay tranh cãi không phải là vấn đề gì đó quá lớn và đôi lúc nó thật sự cần thiết cho một mối quan hệ, tranh luận để nêu lên ý kiến bản thân còn e dè chưa dám bộc bạch, để hiểu nhau hơn sau những cuộc đối thoại có phần căng thẳng.
Tranh luận chỉ thật sự là vấn đề khi những đấu sĩ của sàn đấu ngôn từ ấy vấp phải những điều mà tôi tin rằng chưa chắc họ đã biết mình đang vấp. Thứ nhất, tranh luận đi tranh luận lại một chủ đề, tôi là một người ghét sự tranh cãi và thường giữ im lặng khi ai đó mất bình tĩnh, bởi tôi biết tại giây phút đó sự nhẫn nại của mình cũng sắp sửa chạm đáy, tôi sợ phải buông ra những lời cay nghiệt làm tổn thương đến người khác và ngay cả bản thân. Cứ như thế, tôi chấp nhận nhún nhường cho qua mọi chuyện, không đào xới đến tận cùng gốc rễ của vấn đề, không đưa được nguyên nhân, không hình thành giải pháp và câu chuyện cứ thế trôi qua. Nhưng đến một lúc nào đó, bất cứ một hành vi nào tương tự như thế nhen nhóm thì cuộc khẩu chiến lại được châm ngòi, hệt một chiếc bình lớn chẳng hề để tâm về những đường nứt mà nó cho là không đáng kể chạy dọc thân, dần dà vết nứt nhiều hơn, dày đặc hơn và chiếc bình vỡ nát mà chính nó cũng chẳng hiểu lý do tại sao.
Thứ hai là khi bạn tranh luận cho cái tôi của bản thân mà quên mất vấn đề cần giải quyết là gì. Nhiều người vẫn giữ vững định hướng của cuộc tranh luận trong khoảng 15 đến 20 phút đầu cho đến khi cuộc chiến bắt đầu nóng hơn, một trong hai người bắt đầu cảm thấy sự tổn thương, nhận thấy sự thiếu tôn trọng ở người đối diện, một phút giây lơ là trong cuộc tranh luận cũng có thể mồi châm cho cái lý lẽ rằng người ta đang coi thường cuộc đối thoại với mình. Vài lời lập luận gay gắt hơn bắt đầu được đưa ra và tất nhiên nó gay gắt từ mặt hình thức câu chữ cho đến tần số âm thanh, cứ như vậy người này cuốn người kia, không ai chịu nhường ai, chúng ta tranh cãi đến khi mệt lử hay đến khi cảm thấy cái tôi của mình đã được xoa dịu phần nào. Lửa trong đầu vẫn nóng chỉ có tâm hồn là lạnh lẽo và mệt mỏi. Sau những thanh âm chát chúa, cay đắng ấy lại là chuỗi nối dài của sự im lặng, của cái nhìn hờn trách và bất lực, ta đẩy cuộc đời ta xa người ấy thêm một một bước, tưởng ngắn nhưng lại hóa dài, tưởng nhạt nhưng lại khó phai.
Hệ quả của cuộc chiến nào dù thắng hay thua cũng đều mang màu mất mát và điều mà người ta vấp phải cuối cùng chính là sự rạn nứt của một tình cảm được vun đắp dù nhiều dù ít, dù ngắn dù dài. Sự thỏa mãn của cái tôi được trả giá bằng một mối quan hệ, đáng hay chăng? Xuất phát điểm của sự tranh luận có thể là tốt, là đúng nhưng người ta lại hay sai trong cách thực hiện chúng, mục đích là để hiểu nhau hơn nhưng rồi lại khiến xa nhau hơn. Tôi dám chắc chẳng ai mong muốn một cuộc đối thoại nhanh chóng trở thành độc thoại, cũng chẳng ai mong muốn một mối quan hệ cố công gầy dựng lại bị bóp nát bởi chính người trong cuộc.
Hãy nhớ rằng tranh luận là để tìm ra gốc rễ của vấn đề chứ không phải biến một cây tình cảm vững chãi về lại hạt mầm chưa từng được vun xới. Hãy xây dựng cho mình một văn hóa tranh luận không tranh cãi, mà ở đó những người tham gia đều được nêu lên chính kiến, được lắng nghe bằng một đôi tai tích cực, được sửa chữa bằng một trái tim bao dung và được khích lệ bởi một cái vỗ vai đầy thân ái.
Tác giả: Lê Ngọc Như Quỳnh (Thành viên NHB-Blue Team)
0 Nhận xét