Trong cuộc sống của chúng ta luôn có những đẳng thức, những quy luật, biểu tượng hiển nhiên, không bao giờ thay đổi.
Người ta thường nghĩ rằng đó là những phạm trù trừu tượng, mang tính chất lý thuyết hay chỉ thuộc về một trường phái riêng lẻ nào đó nhưng thực chất chúng lại có mối quan hệ vô cùng mật thiết và quan trọng đối với con người. Đó là những tiêu chuẩn để con người cân bằng cuộc sống, điều chỉnh hành vi và đôi khi đó cũng chính là động lực khách quan để con người vượt qua mọi tình huống, mọi khó khăn bất ngờ xảy đến, tưởng chừng như không còn cách giải quyết. Hai nguyên lý sau ít nhiều sẽ giúp bạn có cái nhìn và sự đánh giá khát quát, tích cực hơn với những sự vật, sự việc hay hiện tượng xung quanh chúng ta.
1. Vòng tròn âm dương
Nếu bạn hay xem phim kiếm hiệp chắc hẳn đã biết đến “Thái Cực đồ” hay vòng tròn âm dương? Đó là vòng tròn một bên trắng, một bên đen, trong phần đen có một điểm trắng và trong phần trắng có một điểm đen. Có lúc nào bạn băn khoăn về lý do tại sao lại có hai điểm nhỏ ấy không?
Dưới cái nhìn triết học, biểu tượng ấy có nghĩa là sự thống nhất giữa các mặt đối lập, tức là các mặt đối lập với nhau luôn mâu thuẫn, đối chọi, đấu tranh với nhau nhưng cùng tồn tại trong một sự việc và không thể thiếu nhau được.
Cuộc sống của chúng ta cũng tựa như vòng tròn ấy, không bao giờ hoàn hảo, chẳng có điều gì tốt đẹp 100% cũng chẳng có gì xấu hoàn toàn. Trong cái nắng tiềm ẩn cái mưa (hơi nước bốc lên), trong cái mưa tồn tại cái nắng (mây tan đi). Từ đó ta có thể thấy được rằng trên đời này không có bình yên nào là mãi mãi và cũng không có khó khăn nào là không thể vượt qua. Muốn có hạnh phúc phải trải qua nhiều khổ đau, muốn thành công thì phải đổ nhiều mồ hôi nước mắt. Vậy nên khi bạn đã tới bước đường cùng và nghĩ mình không thể đứng lên được nữa hãy nghĩ rằng đó là điểm nút để bạn tìm kiếm một cơ hội mới, là bước lùi lấy đà cho một cú nhảy mới.
2. Định lý Pitago
Một định lý toán học vô cùng quen thuộc với học sinh chính là định lý pitago: "Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông.” Điều này có nghĩa là khi một đại lượng thay đổi thì những đại lượng khác cũng thay đổi theo một tỷ lệ tương ứng phù hợp, nếu không thì sẽ chẳng còn là tam giác vuông nữa. Cũng như cuộc sống chúng ta luôn cần cân bằng mọi thứ với nhau, không thừa cũng không thiếu. Mọi thứ luôn gắn kết với nhau thì mới tạo dựng được một con người hoàn thiện về nhân cách và phẩm chất. Đừng thấy cuộc sống khó khăn mà chúng ta lại dễ dàng buông xuôi. Khi xã hội ngày càng phát triển, bản thân mỗi chúng ta để thích nghi và tồn tại trong xã hội cũng cần phải thay đổi chính mình. Chúng ta phải tự hoàn thiện mình để thích nghi và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ngày càng hiện đại.
“Mỗi người như chiếc bánh xe lăn trên đường đời. Khi xe di chuyển khó, ta cần kiểm tra xem có phải lốp bị xịt hơi không? Xịt hơi rồi thì bơm căng lại, xe sẽ lại chạy bon bon.”
Tác giả: Hoằng Hằng (Thành viên NHB-Blue Team)
0 Nhận xét