Mỗi Chúng Ta Là Một Bông Hoa Ngát Hương


Là một chàng trai sinh ra trong một gia đình miền biển của tỉnh Thanh Hóa, tôi không được may mắn như bao người khác vì đôi mắt không thể nhìn thấy và sẽ mãi mãi không bao giờ ngắm được ánh bình minh thức dậy trên bãi biển quê hương mình. Đôi mắt tôi đã hỏng ngay từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Vì tôi là đứa con trai duy nhất và được bố mẹ đặt bao hi vọng nên nỗi buồn, nỗi đắng cay như được nhân lên gấp bội.

Ngay từ nhỏ tôi đã phải đối diện với những lời cười chê, châm chọc của đám trẻ cùng trang lứa mỗi khi trông thấy tôi. Càng buồn tủi hơn khi tôi thường xuyên nghe những câu nói mà những người lớn dành cho tôi với thái độ xem thường chẳng hạn như sau này tôi chỉ có thể làm thầy bói hoặc đi ăn xin kiếm sống,… Khi nghe những lời đó, có lẽ người buồn nhất không phải là tôi mà chính là bố mẹ - những người luôn yêu thương và hi sinh tất cả cho tôi. Tôi đã lớn lên trong sự xem thường nên tôi luôn tự nhủ với bản thân là phải lấy đó làm động lực để không ngừng nỗ lực, cố gắng thật nhiều để xóa đi định kiến của những người xung quanh và làm họ phải suy nghĩ lại. Tôi sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống để trở thành người có ích và sẽ có những đóng cho xã hội. Hiện tại, tôi đã và đang làm được điều đó và khẳng định được bản thân mình.

Cơ hội đến với tôi khi đại diện Hội người mù của huyện Tĩnh Gia tìm đến nhà tôi và giới thiệu cho tôi đi học ở Tỉnh hội. Như cá được gặp nước, tôi nỗ lực hết mình và đã học xong chương trình của Tỉnh hội chỉ sau hai năm, Sau đó tôi được gia đình đưa ra trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội để tiếp tục con đường học tập của mình. Ở đây, tôi được học hòa nhập với các bạn mắt sáng và lần đầu tiên tôi có nhiều bạn là người bình thường cùng thi đua trên con đường học tập. Môi trường học hòa nhập và sự đối xử công bằng của các thầy cô giữa tôi với các bạn khác trong lớp giúp tôi trở nên tự tin hơn, có thêm động lực để tiếp tục nỗ lực, cố gắng khẳng định bản thân nhiều hơn nữa. Vì vậy, tôi không chỉ cố gắng học tốt mà còn luôn sẵn sàng giúp đỡ những bạn học chưa tốt trong lớp nữa. Từ đó các bạn thường rất thích ngồi gần để cùng tôi học, cùng tôi tiến bộ. Mỗi lần giúp một bạn nào đó trong lớp hiểu và làm được bài tập mà thầy cô vừa giao thì tôi lại cảm thấy rất vui và thấy mình là người có ích. Ngoài việc học văn hóa ra thì tôi còn tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao do nhà trường tổ chức và tôi luôn là một thành viên có nhiều đóng góp trong các hoạt động đó. Điều đó khiến tôi ngày càng nhận được sự tin tưởng và quý mến từ bạn bè, thầy cô.

Tôi tin rằng trong xã hội này những câu chuyện về người khiếm thị không chỉ học giỏi văn hóa mà còn giỏi Âm nhạc, Thể thao,… sẽ làm thay đổi cách nhìn của nhiều người để từ đó sẽ đẩy lùi được sự xem thường về người khiếm thị trong họ. Chính vì thế tôi luôn xem mình là một đại sứ có trách nhiệm phải học tập thật tốt và phải làm được những điều mà tưởng như chỉ những người bình thường mới làm được. Điều đó sẽ góp phần thay đổi cách nhìn dành cho người khiếm thị từ cộng đồng nên bên cạnh việc học ở trường, tôi còn tham gia các hoạt động tình nguyện bên ngoài. Tôi từng là trưởng ban văn nghệ của câu lạc bộ Tỏa sáng Ước mơ - một câu lạc bộ chuyên tổ chức các buổi văn nghệ và đi bán hàng để kêu gọi mọi người giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Những ngày tháng đó thực sự hạnh phúc khi tôi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Xúc động nhất là những khoảnh khắc tôi được tận tay trao món quà vào tay một ông cụ neo đơn hay khoảnh khắc vui đùa, đánh đàn và cùng hát với những em bé mồ côi,…

Tôi vẫn biết sẽ có người cười chê khi thấy tôi cũng là một người không may mắn, không tự lo được cho chính mình lại thích đi giúp đỡ người khác nhưng tôi vẫn điềm nhiên sống, điềm nhiên làm những việc có ích.

Đối với tôi thì cảm giác được giúp đỡ người khác, được là một người có ích là quan trọng nhất mà không có thứ gì có thể đánh đổi được và sẽ không có lời đàm tiếu nào đủ sức khiến tôi phải lùi bước. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng những người như tôi không chỉ khao khát được nhận mà còn luôn khát khao được cho nữa. Tôi chưa có điều kiện để cho những điều lớn lao nhưng tôi cảm thấy hài lòng vì tôi đã cho tất cả những gì tôi có thể cho dù đó chỉ là những việc làm nhỏ như Massage cho một chú hàng xóm bị đau lưng hay bấm huyệt cho một cô bạn của mẹ bị đau đầu,… Massage bấm huyệt là một nghề mà tôi đã được học ngoài giờ lên lớp nhưng tôi vẫn chưa xem nó là một nghề để tôi mưu sinh mà chỉ đang xem nó là một cơ hội để tôi có thể giúp được nhiều người hơn và làm được nhiều điều ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Sự cho đi của tôi đang mang lại cho tôi những niềm vui vì những người hàng xóm đã thay đổi cách nghĩ về tôi và bố mẹ tôi cũng được mọi người quý mến, tôn trọng hơn khi họ thấy tôi giúp đỡ những người đau ốm nhiệt tình mà không bao giờ chịu nhận lại những món quà cảm ơn từ họ.

Hiện tại cánh cổng đại học đã mở rộng và tôi đã tự tin trên giảng đường để tiếp tục rèn luyện kiên thức. Vì mới chuyển đến một thành phố phồn hoa, đô hội xa lạ nên tôi đang phải tạm dừng lại những hoạt động tình nguyện mà chuyển sang hoạt động ở một số lĩnh vực khác cũng đem lại niềm vui cho nhiều người. Tại đây, tôi đã tham gia vào câu lạc bộ Guitar của kí túc xá và tôi tìm thấy niềm hạnh phúc của việc cho đi khi tôi giúp đỡ, hướng dẫn cho những bạn, những em mới tập đàn Guitar và Ukulele. Bên cạnh đó tôi còn nhận dạy Online miễn phí cho những bạn mới tập đàn ở xa mà tôi quen qua mạng. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng xin vào một Câu lạc bộ tình nguyện nào đó để tiếp tục được sống với những ngày tháng tình nguyện đầy vất vả nhưng ngập tràn niềm vui mà tôi đã từng trải qua. Tôi đang học ngành Tâm lý học của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và mơ ước trong tương lai được trở thành một nhà tham vấn tâm lý để tư vấn miễn phí cho những người cùng cảnh ngộ cũng như trở thành một diễn giả để có thể đưa hình ảnh của người khiếm thị đến gần hơn với cộng đồng nhằm giúp mọi người có thể hiểu được cuộc sống và năng lực thực sự của những người khiếm thị.

Tôi tin khi cộng đồng đã hiểu thì họ sẽ thay đổi cách nhìn về những người như tôi để từ đó sẽ tạo cho chúng tôi cơ hội việc làm phù hợp với năng lực của bản thân, giúp chúng tôi không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Con đường trở thành một người có ích, một người “tàn nhưng không phế”( như Bác Hồ kính yêu đã dạy) của tôi vẫn còn rất dài. Nhưng với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của bản thân thì tôi tin chắc rằng mình sẽ làm được vào một ngày không xa. Tôi luôn nghĩ mỗi chúng ta khi sinh ra đều là một bông hoa và dù cho ta là một bông hoa không nguyên vẹn thì vẫn có thể tỏa hương sắc cho đời. Vậy nên dù bạn là ai và có khiếm khuyết ở đâu thì cũng xin đừng vì sự tự ty mà che giấu đi hương sắc của bản thân. Hương sắc đó sẽ ngào ngạt hơn, sẽ đẹp đẽ hơn khi mỗi chúng ta đều thực hiện lời dạy của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và phải có niềm tin, nghị lực mới chiến thắng hoàn cảnh để trở thành một công dân tốt góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Tác giả: Trần Đức Hoàng (Thành viên NHB-Blue Team

Đăng nhận xét

0 Nhận xét