Miệng Là Của Người Khác, Nhưng Cuộc Sống Là Của Chính Mình


 “Miệng lưỡi thế gian” vốn là một thuật ngữ chẳng xa lạ gì. Nó tựa như thứ chất độc có thể dễ dàng len lỏi vào tâm trí rồi dần dần ngấm sâu, ăn mòn sự tự tin, đam mê, tình yêu hay thậm chí là cả tính mạng của bạn, của tôi và của bao người khác.

Tôi từng nghe người ta nói: “Còn người sống là còn thị phi”. Ngẫm lại thấy rất đúng. Có người sống là có hoạt động sống. Khi mà những hoạt động ấy giống với đa số những người khác thì họ coi đó là bình thường, là đúng phận. Nhưng khi có thứ gì đó có chút khác biệt, người ta sẽ mặc định điều đó là sai trái. Khi phát hiện ra ai đó có lỡ lầm gì thì nhiều người lấy đó làm trò vui, làm “thú tiêu khiển nhàn nhã” để phán xét, bàn tán, soi mói, để thực hiện quyền “tự do ngôn luận” quá trớn của mình, ở cả đời thực lẫn mạng xã hội. Nhiều người là “nạn nhân” của con rắn độc mang tên miệng lưỡi thế gian, trớ trêu thay họ cũng là kẻ gieo rắc những ngôn từ tiêu cực lên người khác, phải chăng giữa họ không có sự cảm thông?

Tôi từng rất thắc mắc về điều này, đến giờ cũng tự tìm ra lời giải đáp cho chính mình, dù nó không hoàn thiện lắm. Ai khi gặp áp lực, đặc biệt là miệng lưỡi thế gian, đều luôn muốn thoát khỏi gánh nặng khủng khiếp ấy, thường thì có xu hướng trút sự khó chịu và bực dọc lên người khác. Có khi họ tổn thương đến những người thân yêu nhất – là cha mẹ, gia đình… Có khi họ lại dùng chính những lời lẽ bị “miệng đời” phán xét để trút lên những con người họ chẳng hề quen biết, cũng chẳng hiểu được sự tình ra sao. Chỉ cần biết xã hội chửi là mình cũng chửi, chửi để chuyển vai nạn nhân cho kẻ khác, thế là xong.

Một số nạn nhân khác không lặp lại cái chu trình đó mà lại chọn một cách tiêu cực hơn. Lời nói tuy vô hình nhưng sức mạnh của nó đến những nạn nhân thì rất lớn. Những lời phán xét “vô tình” được thốt ra trước khi hiểu rõ đầu đuôi mọi chuyện có thể là nguyên nhân để một con người từ bỏ ước mơ, tình yêu và hy vọng. Những lời mà bạn tưởng là bông đùa, hài hước có thể khiến một con người luôn vui vẻ, hạnh phúc đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng và đau khổ, cũng có thể khiến một mạng sống hoàn toàn biến mất khỏi thế gian này:

“Lời nói không là dao
mà cắt lòng đau nhói
lời nói không là khói
mà mắt lại cay cay”

Bộ trưởng tuyên truyền của Phát xít Đức Joseph Goebbels có câu: "Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật". Tại sao một lời nói dối lại có thể trở thành sự thật? Vì khi lặp lại nhiều lần, người ta sẽ tin đó là sự thật. Mà khi càng nhiều người tin thì lại càng khiến nó trở thành sự thật. Không may thay những lời phán xét sai sự thật trong xã hội lại là những lời nói dối ấy. Chính chúng đã khiến cho nhiều nạn nhân tin rằng mình tệ hại như lời người ta nói. Họ dằn vặt, đau đớn, tuyệt vọng với chính mình. Những lời tàn độc của miệng đời cứ lẩn quẩn trong tâm trí họ và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, trở thành những căn bệnh tâm thần vô phương cứu chữa. Có cậu bé đồng tính đi tỏ tình với bạn, bị xã hội dèm pha, không nhận được sự thấu cảm từ mẹ. Cậu nhảy cầu, kết liễu mạng sống của mình không một chút do dự. Có cô gái trên 18 tuổi bị lộ video quan hệ với bạn trai lên mạng xã hội. Người ta không chút thương cảm mà giễu cợt gọi cô ấy là con đ*, là gái ngành. Liệu cô ấy có thực sự gây ra lỗi lầm đáng trách đến mức ấy không? Và còn nhiều, rất nhiều trường hợp đau lòng khác xảy ra chỉ vì “miệng lưỡi thế gian”. Bạn có từng thấy chính mình là một trong số ấy? Bạn đã từng từ bỏ một điều gì đó quan trọng vì “người ta nói”, đúng không?


Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn những cách đối phó sai lầm ấy. Đối với một số người, lời nói của miệng đời là một thử thách lâu dài mà họ phải bước qua, là động lực để họ cố gắng. Họ không trút lên người khác, cũng không dồn nén trong thâm tâm. Họ tìm những giải pháp tích cực để xua đuổi con rắn độc “miệng đời” ấy. Những người như thế thật sự phải trải qua lắm khó khăn, gian khổ vẫn giữ cho bản thân kiên cường, đứng vững và bước đi trên những chông gai ấy.

Tôi từng cho rằng mình không được mạnh mẽ như họ. Bởi tôi thường bị cảm xúc chi phối quá nhiều, dù không trút lên những người xa lạ, nhưng lại tổn thương đến gia đình. Sau khi cơn giận qua đi, nỗi hối hận lại ập đến khôn nguôi. Thay vì đối mặt và vượt qua, tôi đã từng nghĩ mình phải làm sao để khiến cho “miệng lưỡi thế gian” không còn cay nghiệt và tàn nhẫn như thế. Nhưng càng lớn, tôi hiểu được rằng, việc thay đổi bản thân đã là một việc không hề dễ dàng. Nói chi đến việc thay đổi suy nghĩ của cả một cộng đồng, một xã hội nơi mà việc bàn tán về người khác đã là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Nói một cách khách quan thì việc nói về người khác cũng phần nào giúp cho cuộc đời thêm thú vị, miễn sao đừng quá lố, đừng xúc phạm, đừng đi sai sự thật. Thế nên, thay vì thay đổi người khác, tôi dần học cách đón nhận chúng, lấy chúng là nguồn động lực để vượt qua những thử thách và hòa nhập với cuộc sống này. Vì bản thân ta chỉ là một giọt nước nhỏ bé trong giữa đại dương bao la vô tận này. Bởi người thực sự quan tâm đến ta, nói ra chỉ đếm trên đầu ngón tay: Cha mẹ, anh chị em, vài đứa bạn…và chính ta. Bởi “miệng là của người khác, nhưng cuộc sống là của chính mình”.

Hãy dũng cảm đối mặt, đừng trốn tránh, đừng bỏ cuộc. Hãy sống vì mình, đừng vì những lời lẽ vô thưởng vô phạt của miệng đời, đừng vì ước muốn của kẻ khác, cũng đừng vì những thứ xô bồ hỗn tạp của thế gian mà vùi dập niềm tin, hi vọng và ước mơ cháy bỏng của bản thân. Những lời xã hội ngoài kia nói có làm tim ta đau một chút đấy, hơi buồn một chút đấy nhưng cũng chỉ là hư vô. Rồi gió sẽ cuốn chúng đi và khi bạn nhìn lại bản thân mình một thời “oanh liệt” đã từng mạnh mẽ vượt qua, cảm giác ấy chắc hẳn sẽ tuyệt vời lắm. Tôi đang nỗ lực như thế đấy, bạn sẽ đồng hành cùng tôi chứ?

Tác giả: Phạm Thị Trà Giang (Thành viên NHB-Blue Team)

Đăng nhận xét

1 Nhận xét