Trân quý những bữa cơm gia đình

Trời bão, lúa nhà mẹ tôi sập hết. Mẹ tôi về quê cột lúa để tới mùa có cái mà ăn. Mẹ tôi làm mấy ngày mà vẫn chưa xong. Mẹ nói: Thời giờ thuê công làm ở đâu? Gái trẻ thì không chịu làm ruộng, trai trẻ thì kéo nhau xa xứ để thoát kiếp "anh nông dân". Ở lại vùng quê nghèo, chăm từng cây lúa chỉ có mấy ông bà già như mẹ. Mà bão tới, nhà nhà lúa sập, đâu phải có mình nhà mẹ nên cũng chả ai giúp ai được.
Gạo người ta mua về ăn, giá tiền bèo bọt 9k/kg. Họ ăn còn chê lên chê xuống. Bão tới, mùa lúa thất bại, giá gạo tăng cao thì mẹ tôi cũng chỉ bán được 7k/kg do bị thương lái ép giá. Đã già, đã nghèo, đã khó rồi còn bị người ta ăn trên đầu trên cổ như thế. Tiền bán lúa thu về trả tiền thuốc, tiền giống cũng chỉ lời được 3 - 4 triệu/mùa vụ. Và phải vài tháng sau mới có thể thu hoạch mùa mới. Số tiền ít ỏi cho mỗi tháng, mà chưa kể lưng còng, vai mỏi, sức khỏe bị ảnh hưởng, chân tay bùn sình... lời chỗ nào?


Tôi từng hỏi mẹ "Sao mẹ không trồng gì khác mà trồng lúa cho cực thế?" Mẹ nói: "Tao không trồng lúa thì tụi bây lấy gì ăn? Tiền lời chả được bao nhiêu nhưng gạo thì tui bây có ăn cả năm không sợ đói".
Bão vừa rồi, lúa sập, giọng mẹ tôi buồn buồn trong điện thoại "Tao sợ đợt này chả được bao nhiêu đâu. Trữ ăn thì khỏi có mà bán." Ăn hay không ăn, đói hay không đói?
Chiều chiều tan làm, bụng đói, tiện đường ghé tiệm phở, tiệm mì... về đến nhà, nhìn nồi cơm còn đầy lại giở thói kén ăn "Con no rồi, ăn cơm không nổi. Để đó mai cho gà ăn"... giờ nghĩ lại tay mẹ tét cả ra vì cột lúa, cơm thì mình bỏ cho gà ăn... Thứ tôi bỏ đi là máu của mẹ tôi, là mồ hôi nước mắt của mẹ chứ không phải là thức ăn thừa. Tội lắm, bất hiếu lắm!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét