Khi được hỏi: “Sai lầm lớn nhất của đời người là gì?”, Đức Phật trả lời: “Sai lầm lớn nhất là bạn nghĩ rằng bạn có thời gian".
Từ thời Trung Quốc cổ đại ( hơn 4000 năm trước Công Nguyên) để có thể lấy ví dụ cho học trò của mình hiểu về giá trị của thời gian, các nhà sư đã sử dụng các sợi dây thừng thắt rất nhiều nút và treo chúng lên trên trần nhà. Mỗi nút thắt tương ứng với một tiếng đồng hồ trôi qua. Sau đó, các nhà sư dùng lửa là hiện thân cho thời gian và đốt dây để cho học sinh của mình thấy rằng: một khi thời gian đã trôi đi thì không bao giờ có thể quay lại được. Và đó cũng chính là lý do nhiều chùa ở Trung Quốc thời đó bị cháy do cách lấy ví dụ đầy trực quan này. Thời gian sau, lửa được thay thế bằng các chậu nước đục lỗ để giúp các nhà sư lấy ví dụ một cách an toàn và thực tế hơn. Mặc dù các công nghệ thời nay cho phép chúng ta thiết kế ra nhiều loại đồng hồ chạy bằng năng lượng nguyên tử, hay các cỗ máy Tourbilion đắt tiền và gần như không ai dùng các cách trên nữa, nhưng những bài học về giá trị của thời gian mà chúng đem lại dường như không bao giờ thay đổi: Thời gian một khi đã mất đi thì không bao giờ có thể lấy lại được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu về việc tiết kiệm thời gian. Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V -Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên các anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:
- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú không giành được chủ động.
Một lần khác, bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:
- Chú đến chậm mấy phút?
- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!
- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.
Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy Người không bao giờ để bất kỳ ai phải đợi mình.
Thời gian luôn là một ẩn số không có lời đáp, loài người luôn phải chạy đua với quá trình lão hóa trong cả sợ hãi và cả mệt mỏi. Một người trung bình sống được 78 năm. Ta dùng 28,3 năm để ngủ; khoảng thời gian này đã bằng 1/3 đời ta nhưng 30% lại phải vật lộn để có giấc ngủ ngon. Ta dùng 10,5 năm để làm việc nhưng có hơn 50% chúng ta muốn từ bỏ công việc hiện tại. Thời gian có giá trị hơn tiền bạc. Bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhưng không thể kiếm được nhiều thời gian hơn. Ta dùng 9 năm để xem ti vi và các phương tiện thông tin đại chúng. Ta dùng 6 năm để làm công việc nhà, 4 năm để ăn uống. Ta dùng 3,5 năm cho việc học; 2,5 năm cho việc chải chuốt. Ta dùng 1,5 năm để chăm con; 2,5 năm để mua sắm và 1,3 năm để đi lại tới chỗ làm hằng ngày...
Steve Jobs nói rằng: "Thời gian của bạn có hạn nên đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác". Thời gian đang "bay hơi" và chính bạn là phi công. Hãy tưởng tượng bạn thức dậy với 86400 đô la và đến cuối ngày thì nó sẽ biến mất dù cho bạn có dùng nó hay không. Và ngày tiếp theo bạn lại có 86400 đô khác nữa. Chúng ta sẽ làm gì với nó? Mỗi ngày có 86400 giây được gửi vào tài khoản của bạn và đến cuối ngày khi dùng hết bạn sẽ có 86400 giây mới. Ta sẽ không bao giờ lãng phí nếu đó là tiền, vậy tại sao chúng ta lại lãng phí nếu đó là thời gian? 86400 giây có sức mạnh hơn những đồng đô la,vì bạn có thể làm ra được nhiều đô la hơn nhưng không bao giờ làm ra được thêm thời gian.
Cuộc sống và thời gian là hai người thầy tuyệt vời nhất. Người thầy cuộc sống dạy ta cách dùng thời gian cho hợp lý, người thầy thời gian dạy ta quý trọng cuộc sống. Wiliam Shakespecre đã nói: “Thời gian rất chậm đối với những ai muốn nó, trôi rất nhanh đối với ai sợ hãi nó, rất dài với người đang buồn và ngắn với người đang ăn mừng. Còn với những người đang yêu, nó là bất diệt”. Thời gian là miễn phí nhưng nó vô giá, bạn không thể sở hữu nó nhưng có thể sử dụng nó. Bạn không thể giữ nó nhưng bạn có thể dùng nó. Và khi thời gian mất đi, bạn không bao giờ có thể lấy lại được. Vì vậy, ngay từ bây giờ bạn hãy học cách sử dụng thời gian sao cho hợp lý và hiệu quả.
#Van Anh.
0 Nhận xét